Bộ môn Kỹ thuật Công nghiệp có nhiệm vụ giảng dạy các môn học cơ sở chuyên ngành cơ khí và thực tập hàn điện, hàn hơi cho hầu hết các ngành trong trường.
Tiền thân của Bộ môn Kỹ thuật Công nghiệp là Ban Kỹ nghệ sắt, Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức. Tháng 10/1976, khi thành lập trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức, Ban Kỹ nghệ sắt kết hợp với Ban Máy dụng cụ để thành lập Bộ môn Chế tạo máy.
Tháng 9/1978 chính thức thành lập Bộ Môn Đúc – Nhiệt luyện, nhiệm vụ của Bộ môn thời kỳ này bao gồm:
- Giảng dạy lý thuyết các môn Công nghệ kim loại, Kim loại học & nhiệt luyện
- Giảng dạy thực hành: hàn, gò, rèn, và đúc.
- Quản lý ngành đào tạo Kỹ thuật Công nghiệp
- Nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất.
Bộ môn đã làm tốt công tác giảng dạy, cả lý thuyết và thực hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo bậc đại học. Bộ môn chủ động thiết kế phân xưởng đúc, thiết kế và chế tạo một số trang thiết bị cơ bản cho xưởng đúc, không chỉ phục vụ cho giảng dạy và học tập, mà còn góp phần vào công tác sản xuất và phục vụ sản xuất.
Vào thời kỳ đó, Kỹ thuật Công nghiệp là ngành mới, chương trình đào tạo chưa thống nhất, tư tưởng một số sinh viên không ổn định, Bộ môn đã giải quyết tốt vấn đề này theo hướng “Giỏi một nghề, biết nhiều nghề”. Kết quả nổi bật là lớp 76KCN trở thành “Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa” ba năm liên tiếp, được bộ Đại học & THCN và TW Đoàn khen thưởng. Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Công nghiệp trở thành chương trình chung cho các Trường Sư phạm trong cả nước. Nhiều sinh viên ngành Kỹ thuật Công nghiệp, sau khi tốt nghiệp, phát huy tốt kiến thức đã học, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Năm 1985, sát nhập Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức với Trường Trung học Kỹ thuật Việt – Đức, thành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, Bộ môn được đổi tên thành Công nghệ Kim loại.
Trong thời kỳ này, Bộ môn tiếp tục quản lý ngành Kỹ thuật Công nghiệp, phụ trách giảng dạy lý thuyết các môn Kim loại học & Nhiệt luyện, Vật liệu Phi kim loại và Công nghệ Kim loại.
Sau năm 2000, Bộ môn có sự thay đổi quan trọng về cơ sở vật chất. Bộ môn được trang bị bổ sung trang thiết bị thực hành, tập trung vào thực tập hàn cho Xưởng hàn hơi, Xưởng Hàn điện, Xưởng Hàn trong môi trường khí bảo vệ. Năm 2007, bộ môn được trang bị mới Phòng Thí nghiệm Vật liệu học, với khoảng (1500 ÷ 2000) sinh viên/năm, phục vụ cho học tập và góp phần nghiên cứu khoa học. Bộ môn tiếp tục quản lý các môn Thực hành Hàn, Thí nghiệm Vật liệu học và các môn lý thuyết: Công nghệ Kim loại, Vật liệu học 1, Vật liệu học 2, Vật liệu học, và Vật liệu học cơ sở.
Năm 2015, sau khi Khoa Cơ khí Chế tạo máy tiến hành cơ cấu lại tổ chức, Bộ môn Công nghệ kim loại được đổi tên thành Bộ môn Kỹ thuật Công nghiệp.
Hiện nay, với sự thay đổi mới về chương trình đào tạo 150TC, Bộ môn vẫn gắn liền với việc quản lý Ngành Kỹ thuật Công nghiệp và Ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp, cùng với việc quản lý giảng dạy các môn: Vật liệu học, Thí nghiệm Vật liệu học, Công nghệ kim loại, Vật liệu kỹ thuật hiện đại, Xử lý và hóa bền bề mặt, Phương pháp kiểm tra đánh giá vật liệu, Thực tập Hàn hơi, Thực tập Hàn điện, Thực tập Hàn MIG/MAG & TIG, Thực tập Công nghệ Kim loại, Thực tập xử lý và hóa bền bề mặt, Thực tập kiểm tra đánh giá vật liệu…
Trải qua gần bốn mươi năm hoạt động, Bộ môn đã góp phần đáng kể vào công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Trong đội ngũ cán bộ, đã từng công tác ở Bộ môn, có hai Nhà giáo ưu tú (Thầy Hoàng Trọng Bá, Thầy Lê Văn Ninh), có hai Phó Giáo sư (Thầy Hoàng Trọng Bá, Thầy Lê Văn Ninh). Hiện tại, Bộ môn Kỹ thuật Công nghiệp có một phó giáo sư, hai tiến sĩ, ba nghiên cứu sinh và năm thạc sĩ, với cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư, đã và đang góp phần tích cực vào sự nghiệp đào tạo tạo cho đất nước.
Khen thưởng: Tập thể lao động tiên tiến nhiều năm liền, nhiều cá nhân Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên.
Văn phòng Bộ môn: phòng E1-208 (Trung tâm Công nghệ cao)
Cán bộ giảng dạy của Bộ môn:
TS. Phạm Thị Hồng Nga (Trưởng Bộ môn)
KS. Hoàng Văn Hướng (Phó trưởng Bộ môn)
PGS.TS. Lê Chí Cương
Hồ Sĩ Hùng
ThS. Võ Đông Lao
ThS. Nguyễn Hướng Dương
Nguyễn Minh Chính
ThS. Võ Xuân Tiến
ThS. Nguyễn Thanh Tân
ThS. Nguyễn Văn Thức
ThS. Nguyễn Nhựt Phi Long