Nữ sinh chinh phục ngành kỹ thuật
TP - “Ngày đầu tiên bước vào lớp học, em sốc muốn xỉu. Cả lớp toàn con trai, các bạn cứ nhìn em chằm chằm đầy ngạc nhiên như thể em là kẻ đi lạc. Sau đó, em biết thêm tin sốc hơn, cả khóa 170 sinh viên, duy nhất em là nữ”, Ðỗ Thị Thu Hiền kể.
Bằng đam mê và nỗ lực không ngừng, Đỗ Thị Thu Hiền, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Lê Thị Thu Ngà, sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội đã chinh phục được những ngành học vốn là thế mạnh của con trai.
Chai tay, lấm lem dầu mỡ
Hiền là con một nên được bố mẹ yêu chiều hết mực. Hồi nhỏ, Hiền ước mơ theo ngành quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, lên lớp 12, mọi dự định của Hiền đột ngột thay đổi. Trong lúc làm hồ sơ thi đại học, Hiền nhờ anh họ đang là sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tư vấn. Anh họ giới thiệu về các chuyên ngành kỹ thuật… “Xem những chú robot thiết kế, em mê và thích luôn cả học kỹ thuật, mặc dù trước đó, em không biết gì về khối ngành này. Thay vì đi theo ước mơ đã chọn trước đó, em quyết định làm hồ sơ thi vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Khoa Cơ khí chế tạo máy”, Hiền kể.
Khi biết Hiền chọn ngành kỹ thuật, lại là khối ngành Cơ khí chế tạo máy, bố mẹ Hiền phản đối, vì sợ con gái vất vả. Hiền mất một thời gian mới thuyết phục được bố mẹ. Hơn một năm học đầu trôi qua với Hiền khá nhẹ nhàng, vì chủ yếu học các môn đại cương. Bước sang cuối năm thứ 2 bắt đầu học môn chuyên ngành, thực hành hàn, tiện, phay… Hiền kể, môn học thực tập nguội, Hiền được giao bài tập giũa cục sắt hình vuông thành cái búa. “Đó là một thử thách lớn với em, bởi từ nhỏ em chưa làm việc nặng bao giờ. Nhưng đã chọn ngành học rồi, mình phải nỗ lực, quyết tâm. Và em đã dành 15 tuần liên tục ngồi giũa cục sắt đó thành cái búa chính xác từng milimet. Sau 15 tuần, bàn tay em bị chai, tay nổi cơ luôn”, Hiền vui vẻ nhắc lại kỷ niệm.
Môn học nào càng khó, Hiền càng nỗ lực, quyết tâm gấp bội. Học môn tiện rất vất vả. Trong nửa tháng trời, Hiền bám xưởng từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối để hoàn thành bằng được các đề bài thầy giáo giao. “Ngày nào dầu, nhớt cũng dính khắp từ đầu đến chân. Nhiều hôm học xong mệt quá, em mặc luôn bộ áo xưởng lên xe bus còn hôi rình dầu, nhớt, mọi người trên xe đều tránh em”, Hiền kể.
Hiền không biết đến son, phấn, hiếm khi mặc váy. Hiền kể, nhiều khi về quê, mẹ cầm bàn tay chai sạn của Hiền xót xa: “Con gái gì không biết điệu đà, làm đẹp thì biết khi nào có người yêu hả con?”. Hiền có thành tích học tập khiến các bạn nam ngưỡng mộ. Hiền từng giành giải nhất cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS) với sản phẩm gậy thông minh hỗ trợ người già di chuyển, qua đường an toàn. Đến nơi vắng vẻ, người già không may bị ngã, gậy sẽ phát tín hiệu báo động và định vị địa điểm cho người đến hỗ trợ.
Vừa tốt nghiệp đại học trước thời hạn (chỉ mất 3,5 năm học) với tấm bằng loại giỏi, Hiền quyết định học tiếp lấy bằng thạc sĩ. Hiền cho rằng, thời đại này không nên có sự phân biệt, ngành này, ngành kia chỉ phù hợp con trai, không dành cho con gái. “Điều quan trọng là chúng ta có đam mê, sự yêu thích thực sự với môn học thì sẽ có đủ quyết tâm để vượt qua khó khăn, gặt hái thành công”, Hiền nói. Với suy nghĩ đó, Hiền nhiều lần về các trường cấp 3 tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. “Từ sự tư vấn của em, một số bạn nữ đã làm hồ sơ, và thi đỗ vào các chuyên ngành kỹ thuật như điện, điện tử… sau đó còn viết thư cám ơn em”, Hiền kể.
LƯU TRINH
https://www.tienphong.vn/gioi-tre/hai-nu-sinh-chinh-phuc-nganh-ky-thuat-1655728.tpo?fbclid=IwAR1qA84XBPTcYiS87epZ0s2XOXhJ9iqNndaj4mxOCHG-J9M2kw5JSAY9km4
Ðỗ Thị Thu Hiền tại xưởng thực hành